Ích lợi của việc nhai kỹ

Một yêu cầu quan trọng trong dinh dưỡng của con người là NHAI THỨC ĂN CÀNG KỸ CÀNG TỐT, vì nhai kỹ có những lợi ích sau:

1. Giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng và hấp thu tối đa chất bổ của thức ăn:
Việc nhai kỹ sẽ nghiền thức ăn thật nhỏ, vừa dễ nuốt vừa tránh dạ dày phải hoạt động quá nhiều trong việc tiêu hóa các loại thức ăn khó tiêu.
Trong quá trình nhai kỹ, các chất men và enzyme trong nước miếng có thời gian “tiêu hóa” một phần thức ăn ngay trong miệng, nhờ vậy, dịch vị (chất acid nhẹ) đỡ tiết ra nhiều, không làm loét đường tiêu hóa
Hơn nữa, nhiều loại thức ăn chỉ tiết hết hương vị khi bạn nhai kỹ, như hạt cốc và rau củ càng nhai càng thấy ngon ngọt. Ngoài ra, cử động của hàm nhai sẽ kích thích dạ dày, ruột, gan, lá lách hoạt động hữu hiệu trong quá trình tiêu hóa.

2. Giảm nước uống:
Nhai kỹ làm tiết xuất nhiều nước miếng là một thể dịch được các y sư xưa gọi là “cam lộ” (sương ngọt của trời) có tác dụng thấm nhuần tạng phủ, nuôi dưỡng da thịt được tốt hơn và mát mẻ. Trái lại, nhai dối không những làm giảm mất nước miếng quý giá, mà còn khiến thức ăn khó tiêu, bị sình thối trong đường tiêu hóa sinh ra hơi độc thường gọi là “sinh nhiệt” gây nên khát nước.

3. Tránh tình trạng ăn nhiều quá độ:
Ngay khi nuốt một hai miếng đầu tiên thức ăn được nhai kỹ, cảm giác đói đã biến mất, và đến miếng thứ mười, người ta cảm thấy có thể ngừng ăn. Giáo sư Ohsawa có nói:”Nếu chúng ta làm hao phí dù một hạt cơm hoặc ăn quá nhiều trong lúc có người phải thiếu ăn, thì đó là một tội ác sớm muộn gì cũng bị trừng phạt”. Ăn nhiều quá mức hấp thu của cơ thể sẽ tạo ra chất thừa không tiêu hóa hết. Chất thừa ứ đọng trong người sẽ sinh ra những triệu chứng như mệt mỏi, phù nề, nổi u nhọt, làm giảm tư duy trong sáng...

4. Làm trẻ cơ thể và tăng sức kháng bệnh:
Khi ăn, tuyền mang tai tiết ra một kích thích tố gọi là parotin. Nhờ nhai, chất này có đủ thời giờ thấm qua mạch lâm-ba (hệ bạch huyết tân dịch) vào máu đến các tế bào kích thích sự chuyển hóa và do đó, làm đổi mới cơ thể. Hơn nữa, parôtin còn kích thích hệ bạch huyết tạo ra các tế bào T (T-lymphocytes) bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng. Nếu ăn không nhai hoặc nhai dối, parotin sẽ theo thức ăn nuốt xuống dạ dày và bị dịch vị hủy hoại.

5. Giữ răng miệng sạch sẽ, làm mạnh nướu và các cơ bắp ở mặt:
Ngoài những công dụng đã nói ở điểm 2, nước miếng còn có tính giải độc và sát trùng cho răng, miệng đồng thời cử động nhai làm toàn thể phần đầu vận động nhịp nhàng; và do đó, nhai cũng là một cách “thể dục” răng, hàm, mặt.

6. Tăng cường tư duy và trí nhớ:
Nhờ nhai, khí huyết trong đầu được kích thích lưu thông và do đó, não hoạt động hữu hiệu hơn. Động tác nhai còn kích thích hệ thần kinh giao cảm (thần kinh thực vật) điều hòa sự dinh dưỡng và hoạt động của các tạng phủ, các tuyến nội tiết, sự co giãn các mạch máu, nhịp tim... và quan trọng hơn cả là tăng cường tiềm thức và tư duy sâu thẳm của con người.

7. Buông xả những căng thẳng trong tâm trí:
Ngồi nhai chậm rãi yên hòa cũng là dịp để con người nghỉ ngơi thanh thản và tập tính kiên nhẫn điềm đạm.

(Nguồn “Phương pháp thực dưỡng Ohsawa” của Ngô Thành Nhân)

Kết nối với chúng tôi